Đó là phát biểu của ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm nhắc nhở không chỉ cán bộ, đảng viên mà còn nhắc nhở mọi người chúng ta rằng phải luôn thận trọng trong việc nhận xét, đánh giá, phê bình về một đối tượng, một hiện tượng, một vấn đề nào đó trong xã hội.
Cổ nhân thường nói: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Có những sự việc, vấn đề được truyền khẩu từ người này sang người khác, hoặc được thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thoáng qua ta tưởng đó là những sự việc, vấn đề được tường thuật, miêu tả đúng như hiện tượng và bản chất của chúng, khiến ta bị phan duyên theo nó, rồi nhận định chủ quan, không “như lý tác ý”. Từ đó, ta phán xét, xử lý vấn đề đó không thấu tình đạt lý.
Dân gian cũng hay nói “tam sao thất bổn” nhằm mục đích răn dạy mọi người, rằng có những sự việc, vấn đề được loan truyền qua lăng kính, góc nhìn của người này, người kia chưa hẳn đã đúng như thật với hiện tượng và bản chất ban đầu của chúng. Vì vậy, cổ nhân khuyên ta nên “một thấy”, nên tận mắt chứng kiến một sự việc, vấn đề nào đó.
Ngoài việc “thực mục sở thị”, giáo lý nhà Phật khuyên dạy ta thấy/ nghe cái gì thì phải suy nghĩ thấu đáo, rồi thực hành/ áp dụng ( VĂN-TƯ-TU) nó vào thực tiễn cuộc sống.
Áp dụng VĂN – TƯ – TU trong cuộc sống giúp ta có cái nhìn, nhận định, phán xét khách quan về một vấn đề nào đó một cách chuẩn xác, không nghiêng lệch mỗi khi ta thấy/ nghe lại từ miệng người khác hoặc từ thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Trong câu chuyện Nồi Cơm Nhan Hồi, đức Khổng Tử, người được xưng tụng là “Bậc thầy tiêu biểu của muôn đời”2, không chỉ “nghe” mà còn “thấy” một trong hai trò yêu của mình là Nhan Hồi “ăn cơm trước kẻng”. Vậy mà ngài vẫn còn bị mắc sai lầm khi vội tưởng rằng “Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư?” Chỉ đến khi hiện tượng cũng như bản chất “ăn vụng thầy, vụng bạn” của Nhan Hồi được phơi bày công khai, thì đức Khổng Tử mới “vỡ vạc thông suốt”3, rằng “Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật!”
Sở dĩ lúc đầu đức Khổng Tử đưa ra nhận xét sai lầm về hành vi “ăn cơm trước kẻng” của Nhan Hồi là do ngài tuy đã “tai nghe, mắt thấy” nhưng ngài chưa nghe và thấy bằng chánh kiến, chánh tư duy. Sau khi bình tâm nghe và thấy Nhan Hồi trình bày rõ sự việc, ngài mới ngộ ra rằng để hiểu đúng, phán xét khách quan hiện tượng và bản chất của một sự việc, vấn đề nào đó, ta cần phải có cái thấy đúng (chánh kiến) và cái suy nghĩ đúng (chánh tư duy).
Qua đây, ta có thể đúc rút những bài học kinh nghiệm cuộc sống như sau:
1/ Đừng vội tin điều gì nếu chỉ mới nghe thoáng qua từ khẩu truyền của ai đó. Bởi vì điều đó có thể bị “tam sao thất bổn”, nó được kể lại, được miêu tả lại không đúng như hiện tượng và bản chất ban đầu của nó.
2/ Không nên để dư luận số đông dẫn dắt ta để rồi ta có những nhận định, phán xét một sự việc, vấn đề nào đó sai lệch khi ta chưa có cái thấy đúng (chánh kiến), cái suy nghĩ đúng (chánh tư duy) và sự cảm thông về hiện tượng đó.
3/ Hãy “nhìn chúng sinh, muôn loài bằng đôi mắt từ ái” cùng với chánh kiến, chánh tư duy để quán chiếu, phân tích, nhận định, phán xét hiện tượng và bản chất của một sự việc và vấn đề như nó đang là mà đức Phật đã dạy trong kinh Tăng Nhất A Hàm (Anguttara Nikaya):
“Đừng tin điều gì chỉ vì nghe người ta nói như thế.
Đừng tin vào các truyền thống chỉ vì chúng được lưu truyền qua nhiều đời.
Đừng tin điều gì chỉ vì đó là dư luận trong quần chúng.
Đừng tin điều gì chỉ vì thấy nó được ghi chép trong kinh điển của tôn giáo mình.
Đừng tin điều gì chỉ vì căn cứ vào uy tín của các bậc thầy hay tiền bối của mình.
Nhưng sau khi quán sát và phân tích, thấy điều gì phù hợp với lý trí và đưa đến sự tốt lành, đem lại lợi ích cho cá nhân và cho tất cả, hãy chấp nhận điều đó và thực hành theo nó.
Do not believe in anything simply because you have heard it.
Do not believe in traditions because they have been handed down for many generations.
Do not believe in anything because it is spoken and rumoured by many.
Do not believe in anything simply because it is found written in your religions books.
Do not believe in anything merely on the authority of your teachers and elders.
But after observation and analysis when you find that anything agrees with reason and is conducive to the good and benefit of one and all then accept it and live up it”.
Chùa Phúc Lâm, mùa an cư năm Giáp Thìn – 2024,