Giáo hội phật giáo Việt Nam
Thành phố Biên hòa
 
VP: Chùa Đức Quang, số 33 Đường Nguyễn Ái Quốc, Khu phố 1, phường Tân Phong, thành phố Biên Hoà. ĐT: 0251 394.6769. Email: btspgbienhoa@gmail.com. ngày làm việc: thứ 2 - 4 - 6 trong tuần.
Giá trị của câu ca dao: “NGHÌN NĂM BIA MIỆNG VẪN CÒN TRƠ TRƠ”

Giá trị của câu ca dao: “NGHÌN NĂM BIA MIỆNG VẪN CÒN TRƠ TRƠ”

Tác giả: Thích Minh Trí
Giới thiệu

Thế hệ các cụ nước ta sinh ra trong những thập niên đầu của thế kỷ 20 phần đông ít học, ít biết chữ quốc ngữ/ chữ Việt, nếu không muốn nói là mù chữ. Sau 1954 hay sau 1975, nhà nước mở những lớp bình dân học vụ nhằm xóa nạn mù chữ Việt thì các cụ sinh trong giai đoạn đó cũng chỉ biết đọc chữ Việt là khá lắm rồi.

Tuy mù chữ như vậy, nhưng các cụ của thế hệ này dạy con rất khéo. Con cháu sống rất gia giáo, sống tôn ti, trật tự, kính trên nhường dưới, ăn nói, giao tiếp xã giao đều chuẩn mực …

Không biết chữ thì các cụ dạy con, dạy cháu bằng phương pháp KHẨU TRUYỀN. Nghĩa là truyền miệng từ đời này qua đời khác những câu ca dao, tục ngữ mang tính giáo dục, răn dạy con cháu lối sống đạo đức, hiếu đễ, chuẩn mực v.v.

Muốn con ăn uống thế nào để mọi người nhìn con mình biết con mình là người có gia giáo, trong các bữa cơm gia đình, mẹ bần sư thường nói những câu tục ngữ, ca dao: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Miếng ăn là miếng tồi tàn. Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”.

Không chỉ khuyên các con nỗ lực học tập cái chữ để mưu sinh, mà mẹ bần sư còn dạy phải học tất cả: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Muốn các con ăn nói cẩn ngôn, mẹ bần sư thường đọc những câu ca dao: “Trăm năm bia đá thì mòn. Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ,” “Sảy chân thì đỡ bằng sào, Sảy miệng biết nói làm sao bây giờ.”

Trên đây chỉ là vài câu ca dao, tục ngữ điển hình mà mẹ bần sư hay nhắc nhở các con mình. Do bà thường xuyên lặp đi lặp lại nên những câu ca dao, tục ngữ này tự nhiên đi vào đầu óc trẻ thơ hồn nhiên, trong sáng lúc nào không biết mà cho đến nay đã mấy mươi năm trôi qua bần sư vẫn thuộc nằm lòng.

Khoa học ngày càng phát triển. Các phương tiện không chỉ ghi âm mà còn ghi cả hình ảnh hầu hết ai ai cũng có thể sở hữu. Truyền thông đại chúng trở nên phổ cập. Các thông tin có lợi cũng như bất lợi lan truyền với tốc độ chóng mặt.

“Bệnh tùng khẩu nhập. Họa tùng khẩu xuất”. Có những người nổi tiếng, một thời oanh liệt, rồi sau đó thân bại, danh liệt hoặc vì nhỡ nhời, hoặc vì một phút giây nông nổi, hoặc vì cao hứng muốn thể hiện cái tôi, cái ta, hoặc vì mất kiểm soát thân, khẩu, ý mà có những phát ngôn, lời nói thiếu chuẩn mực.

Họ rất muốn xóa đi, muốn quên đi những lời nói “gây sốc” ấy để làm lại từ đầu. Nhưng “lực bất tòng tâm”, chúng vẫn cứ hiện hữu, chia sẻ, lan truyền tràn lan trên các trang mạng xã hội như một vết chàm trên thân thể không thể tàn phai. Thế mới hay câu ca dao “nghìn năm BIA MIỆNG vẫn còn trơ trơ” của ông ba ta ngày xưa cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị là vậy.

Càng lớn, càng giao tiếp với đời, bần sư càng thấm thía giá trị giáo dục của những câu tục ngữ, ca dao bình dị, dễ hiểu mà mẹ bần sư thường hay nhắc nhở các con bà trong các bữa cơm hằng ngày bằng KHẨU TRUYỀN dù bà chỉ biết đọc chữ Việt mà không biết viết.

Bần sư tự hỏi, không biết thế hệ các bà mẹ trẻ ngày nay có còn dạy con, dạy cháu bằng phương pháp KHẨU TRUYỀN qua những câu ca dao, tục ngữ truyền đời của ông cha ta không nhỉ?

 


Thư viện nên xem
  • NỘI SAN BÁT NHÃ SỐ 09 - VU LAN - BÁO HIẾU
  • ĐỪNG THẤY ĐỎ MÀ VỘI TƯỞNG RẰNG ĐÃ CHÍN
  • TẢN MẠN VỀ NHÀ SƯ TU NHẬP THẾ