MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2024 LIÊN QUAN ĐẾN TÔN GIÁO MÀ TĂNG NI NÊN BIẾT
Luật Đất đai số 31/2024/QH15 (sau đây gọi là Luật Đất đai 2024) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ năm thông qua ngày 18/01/2024. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Xin mạo muội nêu ra dưới đây một số vấn đề quan trọng liên quan đến tôn giáo (Phật giáo) được quy định trong Luật Đất đai 2024 để chư tôn đức tăng, ni tham khảo. Nếu có điều gì thiếu sót hoặc hiểu chưa chuẩn, mong chư tôn đức tăng ni lượng thứ bỏ qua.
1. Đất Tôn giáo là gì?
Khoản 1, Điều 213 định nghĩa: “Đất tôn giáo bao gồm đất xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và công trình tôn giáo hợp pháp khác”.
2. Ai là người trong tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất
Khoản 4, Điều 6 quy định người đại diện tổ chức tôn giáo (Chủ tịch Hội đồng Trị sự), tổ chức tôn giáo trực thuộc (Trưởng ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, Trưởng ban Trị sự GHPGVN cấp quận huyện, Trưởng ban Quản trị tự viện) là người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
3. Đất Tôn giáo thuộc nhóm đất nào?
Luật Đất đai 2024 phân loại đất đai thành 03 nhóm: nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng. Điểm g, khoản 3, Điều 9 quy định đất Tôn giáo thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.
4. Nhà nước giao đất tôn giáo có thu tiền sử dụng đất không?
Khoản 2. Điều 213 quy định Nhà nước giao đất Tôn giáo không thu tiền sử dụng đất.
5. Ủy ban nhân dân cấp nào có đủ thẩm quyền giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc?
Điểm b, khoản 1, Điều 123 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mới có đủ thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
6. Thời hạn sử dụng đất Tôn giáo bao nhiêu lâu:
Khoản 8, Điều 171 quy định đất Tôn giáo được sử dụng ổn định lâu dài.
7. Hạn mức diện tích giao đất Tôn giáo là bao nhiêu mét vuông?
Khoản 4, Điều 213 quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quy định hạn mức và quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trên địa bàn tỉnh.”
Quy định này cho thấy hạn mức diện tích giao đất Tôn giáo giữa tỉnh này và tỉnh kia có sự khác nhau. Thậm chí, trong cùng một tỉnh hạn mức diện tích giao đất Tôn giáo tại thành phố thuộc tỉnh cũng khác với quận/ huyện.
8. Điều kiện để tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộcđược cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là gì?
Khoản 3. Điều 145 quy định “Diện tích đất của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sau khi đã xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều này (tức Điều 145) thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất với thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài và hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật này khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước cho phép hoạt động;
b) Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
c) Không phải là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 trở về sau.”
9. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đang sử dụng diện đất lớn hơn hạn mức diện tích giao đất Tôn giáo do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định thì được giải quyết như thế nào?
Khoản 3. Điều 213 “Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này (tức Điều 213).
Khoản 4, Điều 145 quy định “Trường hợp đất do tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp, sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này (tức Điều 145) thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo hình thức và thời hạn sử dụng đất tương ứng với mục đích đó như đối với hộ gia đình, cá nhân.”
Các điều khoản quy định trên cho thấy nếu tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đang sử dụng diện tích đất lớn hơn hạn mức diện tích giao đất Tôn giáo do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định thì sẽ được “Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm” tùy vào mục đích sử dụng là đất sản xuất nông nghiệp, đất sản xuất lâm nghiệp, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệpv.v, và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo hình thức và thời hạn sử dụng đất tương ứng với mục đích đó như đối với hộ gia đình, cá nhân.
10. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ gì?
Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 26 và Điều 31.
Bên cạnh đó, đặc biệt lưu ý tại Khoản 2. Điều 32 còn quy định“Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.”
11. Đất tôn giáo ngoài mục đích “xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và công trình tôn giáo hợp pháp khác” còn có thể được sử dụng vào mục đích nào khác nữa không?
Khoản 5, Điều 213 và điểm e, khoản 1, Điều 218 quy định “Đất tôn giáo được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ” nhưng phải đảm bảo các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 218 là:
“a) Không làm thay đổi loại đất theo phân loại đất quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 và đã được xác định tại các loại giấy tờ quy định tại Điều 10 của Luật này;
b) Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trở lại sử dụng đất vào mục đích chính;
c) Không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh;
d) Hạn chế ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường;
đ) Không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề;
e) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định;
g) Tuân thủ pháp luật có liên quan.”
12. Ủy ban nhân dân cấp nào có đủ thẩm quyền thu hồi đất Tôn giáo?
Khoản 1, Điều 83 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất đối với tổ chức tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
13. Nhà nước thu hồi đất tôn giáo, đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp do tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng có bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất hay không?
Ngoài việc bồi thường về tài sản gắn liền với đất, tại khoản 2, Điều 97, khoản 4, Điều 100 và khoản 6, Điều 213 quy đinh trường hợp Nhà nước thu hồi đất Tôn giáo, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp do tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đều được bồi thường về đất nếu đáp ứng điều kiện tại điểm d, khoản 1, Điều 95 quy định là: “Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước cho phép hoạt động đang sử dụng đất mà không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê; không phải là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 trở về sau.”
Chùa Phúc Lâm ngày 03/ 11/ 2024
Thượng tọa Thích Minh Trí